10 hành động dại dột nhất trong lĩnh vực thể thao điện tử: Top 1

Có một điểm chung ở 4 kỳ Chung kết thế giới Liên Minh Huyền Thoại đầu tiên trong lịch sử, mà có lẽ nhiều người sẽ không nhận ra, đó là sự vắng mặt của các Huấn luyện viên trên bục nhận cup, nơi các đội tuyển hùng mạnh nhất lịch sử LMHT nâng cao danh hiệu vô địch.

Mãi đến năm 2015, khi SKT T1 đòi lại ngôi vương, chúng ta mới được chứng kiến sự góp mặt của kkOma và cCarter – Hai Huấn luyện viên của SKT vào thời điểm ấy. Là một nghi thức mang tính thiêng liêng và vinh dự nhất đối với cả đời tuyển thủ, việc các HLV không góp mặt trao lễ trao cup vô địch CKTG 4 năm đầu tiên phải chăng là minh chứng cho sự xem nhẹ vai trò của họ đối với thành tích chung của toàn đội?

10 hành động dại dột nhất trong lĩnh vực thể thao điện tử: Top 1 - Làm Huấn luyện viên - Ảnh 1.

CKTG 2015 là lần đầu tiên chứng kiến sự xuất hiện của các HLV trên bục trao cup

10 hành động dại dột nhất trong lĩnh vực thể thao điện tử: Top 1 - Làm Huấn luyện viên - Ảnh 2.

Tính riêng trong bộ môn Liên Minh Huyền Thoại (LMHT), vị trí Huấn luyện viên trưởng (HLV trưởng – Head Coach) luôn là vị trí bắt buộc phải có trong danh sách đăng ký tham dự các giải đấu chuyên nghiệp thuộc hệ thống của Riot Games.

Ngoài yếu tố thiết yếu về mặt chuyên môn, không thể phủ nhận rằng động lực để Riot làm điều này (bắt buộc đăng ký vị trí HLV) có một phần không nhỏ là để tô đẹp cái mác “thể thao điện tử chuyên nghiệp”. Hoàn toàn không hề mỉa mai, bởi muốn “chuyên nghiệp”, thì phải chuyên nghiệp từ căn cơ gốc rễ. Một bộ khung đội hình sẽ không thể coi là “chuyên” nếu thiếu đi những vị trí then chốt trong ban huấn luyện.

Nhưng cũng có một thực tại cần thừa nhận rằng, trong nhiều tổ chức Esports nói chung và LMHT nói riêng hiện nay, vị trí Huấn luyện viên thường bị coi là “người thừa”.

Họ không trực tiếp tham gia thi đấu. Không trực tiếp mang đến thắng lợi cho team. Nhưng thậm chí đối với không ít HLV, họ cũng không có nhiều đóng góp trong giai đoạn ban/pick, hay xây dựng chiến thuật của đội. Có thể là bởi việc draft xoay quanh meta là điều mà các tuyển thủ đều nắm vững, cũng có thể là bởi đội tuyển của các HLV này chủ yếu dựa vào lối đánh win-lane-win-game, tay to là thắng. Hoặc tiêu cực hơn, thì đơn giản là tuyển thủ không chịu nghe theo HLV…

Có rất nhiều yếu tố tác động tới vị thế của các HLV Esports, nhưng tựu chung lại, nó đều dẫn tới một thực tế là rất nhiều “ông thầy” thường không thể làm tròn trịa 100% nhiệm vụ của một HLV, dù họ có muốn hay không.

Lại quay trở lại cái “yếu tố bắt buộc” của Riot Games, quy định của các giải đấu LMHT luôn bắt buộc các đội tuyển phải có một vị HLV trưởng, bất chấp việc họ có cần đến điều đó hay không. Và một hệ lụy xảy ra là việc nhiều đội tuyển bổ nhiệm vị trí này như một cách “đối phó”, và sản sinh ra không ít HLV với vai trò “ngồi cho đủ danh sách”. Và dĩ nhiên, đối với những HLV này, tiếng nói của họ lại càng không có trọng lượng trong nội bộ đội tuyển.

Các thành viên “gánh xiếc quốc tế” G2 Esports thậm chí còn thẳng thừng trêu chọc HLV trưởng của họ – Fabian ‘GrabbZ’ Lohmann, là người chỉ có vai trò… pha cà phê mỗi sáng cho các thành viên trong đội. Với những nét tính cách thích pha trò của nhà Đương kim vô địch châu Âu, đây chỉ là một câu chuyện kể bông đùa. Nhưng “người nói vô tình, người nghe hữu ý”, quả thực vai trò của GrabbZ trong chuỗi thành tựu của G2 Esports đã phần nào bị “xem nhẹ”, bởi vốn dĩ họ đã là một phiên bản “Bayern Munich” của LMHT, với một công thức chiến thắng đơn giản: “Toàn cõi châu Âu này, ông nào đánh ghê nhất, tôi mua ông đó.”

10 hành động dại dột nhất trong lĩnh vực thể thao điện tử: Top 1 - Làm Huấn luyện viên - Ảnh 3.
10 hành động dại dột nhất trong lĩnh vực thể thao điện tử: Top 1 - Làm Huấn luyện viên - Ảnh 4.

Nói vui vui như giọng văn của các Táo trong Gặp Nhau Cuối Năm, thì VCS là một giải đấu mà tính chuyên nghiệp “mới chỉ thấy biển hiệu chứ chưa có biểu hiện nào cả”. Ngay cả khi Ban tổ chức đã nỗ lực xây dựng mô hình giải đấu sao cho hoành tráng, minh bạch và quy chuẩn nhất, thì cốt lõi là “biểu hiện chuyên nghiệp” từ các tuyển thủ vẫn là một thứ gì đó quá xa xỉ.

10 hành động dại dột nhất trong lĩnh vực thể thao điện tử: Top 1 - Làm Huấn luyện viên - Ảnh 5.

SGB là một trong những trường hợp hiếm hoi gây ấn tượng về cách xây dựng “văn hóa nội bộ” của đội tuyển

SofM đã từng đưa ra nhận định rằng: “Các tuyển thủ Esports Việt Nam chưa chuyên nghiệp, quá dễ dãi và không khắt khe với bản thân.” Và cho đến khi sự việc trong nội bộ SBTC Esports bị chính Tinikun bóc mẽ, thì tất cả cũng chỉ biết gật gù đồng tình với nhận xét đó.

Và khi ở trong một môi trường “dở dở ương ương”, khi tác phong chuyên nghiệp vẫn chưa thể trở thành quy chuẩn cơ bản nhất, khi chính bản thân các tuyển thủ còn chưa thèm coi công việc của mình là “nghề nghiệp” một cách nghiêm túc, thì việc một vị trí như HLV bị coi nhẹ là điều gần như hiển nhiên.

Hai trường hợp điển hình nhất cho luận điểm “Ghế HLV có 4 chân, tuyển thủ nắm tới 3” (trích dẫn và cải biên từ nhận định của ông Đặng Trần Chỉnh – Cựu Huấn luyện viên câu lạc bộ bóng đá Becamex Bình Dương, nguyên văn: “Ghế Huấn luyện viên có 4 chân, cầu thủ nắm tới 3”), chính là trường hợp “cãi thầy” giữa Yijin và HLV Violet, được Tinikun nhắc tới trong bài đăng gây xôn xao Mạng xã hội thời gian gần đây. Xa xôi hơn nữa là câu chuyện về việc Venus công khai livestream chỉ trích, cãi tay đôi với “Aci” Minh Hảo, trong thời điểm BLV này còn đang đảm nhiệm cương vị HLV tại Lowkey Esports (tiền thân của Team Secret hiện tại).

10 hành động dại dột nhất trong lĩnh vực thể thao điện tử: Top 1 - Làm Huấn luyện viên - Ảnh 6.

Nếu là trong bóng đá hay một môn thể thao tập thể nào khác, Yijin và Venus hẳn đã phải đón nhận những án phạt nặng từ nội bộ. Nhưng ở VCS, các chủ sở hữu lại khó lòng làm điều đó, vì “phạt rồi thì lấy ai ra thi đấu?”

Nói về xích mích trong quá khứ giữa Venus và Aci, ai đúng ai sai chúng ta vẫn chưa biết rõ, và cũng chưa cần bàn tới, mà điều đáng nói ở đây là cách mà Venus thể hiện đã cho thấy rõ vị thế của các tuyển thủ trong đội, và mối quan hệ giữa họ với HLV, dường như chưa đúng với khái niệm “thầy – trò” cho lắm.

Trong khi câu chuyện giữa Yijin và Violet thì có phần dễ lý giải hơn, đa phần là bởi thầy Quyền “hiền quá”, và bản thân SBTC Esports, cái tên của đội tuyển này giờ đây lại chính là vấn đề khiến họ rơi vào bế tắc. Sống Bằng Tình Cảm – Ai trong chúng ta cũng muốn có được những đồng đội, những anh em “sống với nhau bằng tấm chân tình”. Nhưng trong môi trường Esports đang chới với tìm đường “lên chuyên”, đôi khi cái tình vẫn phải thua cái lý. Bởi chỉ có làm đúng lý lẽ, đúng nguyên tắc, thì mới tạo nên tôn nghiêm, mới khiến tác phong tuyển thủ chững chạc hơn.

Dĩ nhiên, nói qua cũng phải nói lại, như đã đề cập ở phần đầu bài viết, và vận dụng vào thực trạng ở VCS, thì vẫn luôn tồn tại một lý do vô cùng chính đáng và hợp lý, để các tuyển thủ có cái cớ “bật” thầy: “Nói ngon như vậy thì thử vào mà đánh!?”

Ngoại trừ Tinikun là trường hợp đặc biệt, khi anh gần như là một trong những người góp công “khai sinh” ra LMHT Việt Nam, thì hầu hết các HLV khác đều xuất thân từ vai trò tuyển thủ. Mà éo le thay, dù thời còn cầm chuột gõ phím của họ có huy hoàng, vịnh quang đến nhường nào, thì lúc trở thành HLV, họ cũng đã “hết thời””, đã không còn giữ được vị thế mà đáng ra họ phải có được – Những huyền thoại của VCS.

Archie, Sergh hay Yuna, Violet đều trải qua những năm tháng cuối sự nghiệp hết sức chật vật, trước khi rẽ bước sang nghiệp huấn luyện, và khỏi phải nói, nếu “solo” với các học trò thì họ… thua chắc. 

Theo lẽ thường, đó không phải là lý do để các tuyển thủ có cớ “bật” HLV, nhưng đáng tiếc, nó lại luôn hiện hữu tại VCS. Nó không chỉ ảnh hưởng tới mối liên kết giữa các tuyển thủ với nhau, mà còn khiến cho các HLV bị mất đi cái sự tôn nghiêm của họ, mỗi khi bị các học trò lấy cái lý lẽ đó ra để mà cự cãi.

“Mày muốn nói tao nghe, thì mày phải đánh hơn tao cái đã. – Suy nghĩ đó là sai, cái tư duy đó chỉ khiến cho Việt Nam đứng ở vị trí Đông Nam Á trở xuống thôi!” – Optimus, người đã có quá đủ trải nghiệm về Esports, ở cả cương vị tuyển thủ lẫn người tổ chức, đã có nhận định về “cái tôi” của các tuyển thủ VCS như vậy. “Cái tôi” mà Optimus nói, không chỉ là một “cái tôi” cực đoan, mà đó còn là nhận thức sai lầm và có phần kiêu ngạo của một bộ phận không nhỏ các tuyển thủ chuyên nghiệp hiện nay.

10 hành động dại dột nhất trong lĩnh vực thể thao điện tử: Top 1 - Làm Huấn luyện viên - Ảnh 7.

KkOma – Người đã cùng SKT T1 giành tới 3 chức vô địch thế giới, 2 MSI, 8 LCK… thường dậm chân ở bậc xếp hạng… Kim Cương của máy chủ Hàn Quốc, trong khi học trò của anh là Quỷ Vương Bất Tử – Tuyển thủ vĩ đại nhất lịch sử, là Đại Hãn Khan – Một “con ngựa bất kham” ở đường trên, là ShowMaker, Bang, Wolf, Canyon… Những siêu sao luôn sở hữu vị thế số 1 trong thời đại của họ. Nếu một người như kkOma bị Faker hay Khan tuyên bố: “Ông đánh ‘gà’ hơn bọn tôi thì đừng có lên giọng!”, thì SKT T1 hay DWG KIA sẽ ra sao?

Tựu chung lại, ở môi trường thể thao điện tử Việt Nam, không có cái dại nào bằng cái dại đi làm Huấn luyện viên. Thu nhập thì thấp (theo một nguồn tin riêng của chúng tôi, mức lương mà các Huấn luyện viên LMHT ở VCS nhận được thường chỉ rơi vào khoảng 15 – 25 triệu VNĐ/tháng), vinh quang cũng chẳng tới lượt, mà lại thường xuyên phải đứng mũi chịu sào, trong vài chục nhân lực của đội tuyển, HLV luôn là cái tên đứng đầu chuỗi quy luật đào thải khắc nghiệt, của một cái ngành nghề vốn dĩ đã có tuổi thọ rất ngắn ngủi.

Chưa kể, cái gọi là “thực quyền” của các HLV còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, mà yếu tố tình cảm, thiện cảm luôn chiếm tới quá nửa số phần trăm. HLV không phải là người trực tiếp trả lương cho tuyển thủ, và ngược lại, họ cũng không phải là người trực tiếp mang lại các danh hiệu.

Nói dễ hiểu, HLV đứng giữa 2 vòng kìm kẹp, một là giới chủ đầu tư, hai là… mấy đứa học trò. Mà nói là quan hệ thầy – trò, chứ thực ra nhiều đội HLV so với tuyển thủ chỉ đáng tuổi anh em, hơn nhau đôi ba năm, thậm chí có khi còn bằng hoặc… kém tuổi. Nhưng quan trọng nhất là việc, ở hầu hết các đội tuyển LMHT, chính các tuyển thủ mới được xem là cốt lõi, là xương sống duy trì hoạt động của đội.

10 hành động dại dột nhất trong lĩnh vực thể thao điện tử: Top 1 - Làm Huấn luyện viên - Ảnh 8.

Ảnh minh họa: HLV Nixwater trong một buổi trao đổi chiến thuật cùng tuyển thủ Lowkey Esports

Không thiếu những trường hợp một đội tuyển trở nên suy sụp, lụn bại chỉ vì mất một tuyển thủ chủ chốt. Và thế là dẫn đến một câu chuyện đại loại thế này: Nhóc tuyển thủ này đánh láo, vô kỷ luật, nhưng HLV thì không dám mắng, không dám chửi, thậm chí còn phải lựa lời nói ngon nói ngọt, dỗ dành vì sợ… nó dỗi. Nó là đứa gánh đội, nó mà dỗi một cái rồi vùng vằng không thì đấu thì… Ối giời ơi! Toang!

Ngay cả khi đội có không cần ngôi sao đi, thì nếu như 2-3 tuyển thủ cùng rủ nhau làm loạn, lúc ấy lấy người đâu mà thay thế? Tuyển thủ trẻ ư? Quá nửa số đội tuyển tại VCS hiện nay không có lò đào tạo trẻ, và thậm chí không có đủ đội hình dự bị. Mất một HLV, có thể đôn phân tích viên lên để thay thế, chứ mất một tuyển thủ chủ chốt thì xem như “diều hâu gãy cánh”. Vậy là đủ hiểu, trong một tập thể như vậy, ai mới là người có “vị thế” hơn.

Nói đi nói lại, vấn đề vẫn nằm ở chỗ, tính chuyên nghiệp trong khía cạnh con người của VCS đang được thể hiện rất rõ ở vị trí HLV. Khi câu chuyện ngược đời ở đây, là cái vị trí “Head Coach” đáng lẽ ra sẽ trở thành nơi tập trung quyền lực của cả đội, với sứ mệnh hoạch định chiến thuật, quản lý, đào tạo… thì lại không có “thực quyền” bằng những tuyển thủ ngôi sao. Đôi khi, cộng đồng, khán giả còn thẳng thừng ví von những vị “thuyền trưởng” trên danh nghĩa chẳng khác gì các “vú nuôi” trong một môi trường toàn những đứa trẻ đang tập tành và làm quen với sự trưởng thành.

10 hành động dại dột nhất trong lĩnh vực thể thao điện tử: Top 1 - Làm Huấn luyện viên - Ảnh 9.

VCS có thể cải tiến rất nhanh chóng về chất lượng giải đấu, vấn đề chuyên môn hay đời sống tuyển thủ. Nhưng để sửa đổi nhận thức thì lại cần cả một quá trình dài. Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn không hiểu tại sao Tinikun luôn biểu hiện một bộ mặt, một nét tính cách “dễ ghét” trên MXH, nhưng anh lại luôn là cái tên được tất cả tuyển thủ hay HLV khác phải nể trọng?

Bản thân các HLV có lẽ cũng không thể vin vào vấn đề ngoại cảnh mãi được, mà cần nhìn nhận lại nội tại của chính họ. Đó là nếu muốn được trao thực quyền, thì trước tiên phải có thực lực cái đã. Tuyển thủ giỏi chưa chắc đã đồng nghĩa với việc làm công tác huấn luyện giỏi. Như SofM chẳng hạn, giờ mà bảo cậu chàng đi trình bày lý thuyết và hoạch định chiến thuật cho đội như cái thời còn lên sóng ở Gia Sư Vui Nhộn với “học trò” Mạnh An, thì Suning chắc hẳn sẽ đầy rẫy những câu chuyện hậu trường cười ra nước mắt.

Mà ngay cả với bản thân SofM, Huấn luyện viên chưa bao giờ là lựa chọn của anh chàng này khi nói về tương lai, dù nền tảng tri thức của anh về LMHT có thể khiến không ít HLV hàng đầu thế giới cũng phải kiêng nể.

10 hành động dại dột nhất trong lĩnh vực thể thao điện tử: Top 1 - Làm Huấn luyện viên - Ảnh 10.

Một Huấn luyện viên thể thao (bao gồm cả thể thao điện tử), trước hết phải là một nhà bác học. Họ phải thấu hiểu về bộ môn của mình hết mức có thể, phải nói về nó dễ dàng như cái cách họ mô tả một tựa phim hay thuật lại nội dung của một cuốn truyện ưa thích. Mà không chỉ dừng lại ở yếu tố chuyên môn, họ còn phải là cầu nối để truyền tải động lực thi đấu, động lực cống hiến cho các tuyển thủ.

Tại sao tất cả tuyển thủ được Tinikun dẫn dắt lại tôn kính anh ta đến vậy? Vì anh ta không chỉ là một người thầy, mà còn sắm vai một người anh, anh ta có thể gắt gỏng với một tuyển thủ nào đó, nhưng sẽ không để cho bất kỳ người ngoài nào gây tổn thương đến “những đứa em” của mình. Tinikun từng nói rằng anh rất hâm mộ và thần tượng Jose Mourinho và tự ví mình với vị HLV bóng đá có biệt danh “Người đặc biệt” này.

Đôi lúc, người ta ném vào sự ví von đó một cái nhìn đầy “dị ứng”, cho đó là dấu hiệu của sự kiêu căng, kệch cỡm. Nhưng rồi cuối cùng họ lại nhận ra, Tinikun đúng là đặc biệt thật. Chẳng có thành viên Ban huấn luyện nào lại lột áo cho người ta xem lưng, đem tất cả thói hư tật xấu của từng thành viên đội tuyển ra phô bày “chình ình” trên Facebook, chỉ sau 1 tuần gia nhập đội cả. Chỉ có Tinikun làm như vậy, và làm có chủ đích chứ chẳng phải cái ngông nghênh nhất thời.

10 hành động dại dột nhất trong lĩnh vực thể thao điện tử: Top 1 - Làm Huấn luyện viên - Ảnh 11.

Bài đăng của Tinikun không chỉ là liều drama bổ phổi cho hội hóng biến, mà còn là đòn cảnh cáo cho những tuyển thủ đang đi quá giới hạn của mình, đi quá cái tôn nghiêm của một người “kiếm tiền nhờ khán giả nhưng lại không thi đấu vì khán giả”, rằng trong bất kỳ môi trường “làm việc” nào, người ta cũng cần sự tôn ti trật tự, và trong bất kỳ một khái niệm “thầy – trò” nào, người thầy cũng cần phải được tôn trọng tuyệt đối, trước tiên là để giữ lấy cái lề thói xa xưa, còn trong trường hợp thầy có làm sai, làm trái điều gì, thì việc giải quyết đã thuộc về những người có trách nhiệm.

Còn một khi “trò” vẫn “nắm đầu” thầy, thì VCS vẫn chỉ là một giải đấu chuyên nghiệp ở cái vỏ ngoài, và đúng như Optimus đánh giá, sẽ chẳng bao giờ vượt ra khỏi cái tầm Đông Nam Á được.



XEM THÊM CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT TẠI: https://tocchienhuyenthoai.com/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *